Đánh giá Soạn bài tính thống nhất về chủ đề của văn bản: Ngắn gọn là chủ đề trong nội dung hiện tại của chúng tôi. Đọc content để biết chi tiết nhé.
Verbalearn xin giới thiệu phần soạn bài “Tính thống nhất về chủ đề của văn bản” giúp học sinh nắm rõ tính thống nhất chủ đề văn bản, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho bài học trên lớp. Bài soạn gồm 2 phần: Giải đáp các câu hỏi lý thuyết SGK và phần luyện tập.
Tính thống nhất về chủ đề của văn bản
Chủ đề của văn bản
Hãy đọc lại văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh và trả lời các câu hỏi:
1. Tác giả nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc nào trong thời thơ ấu của mình? Sự hồi tưởng ấy gợi lên những ấn tượng gì trong lòng tác giả?
2. Nội dung trả lời các câu hỏi trên chính là chủ đề của văn bản Tôi đi học. Hãy phát biểu chủ đề của văn bản này.
3. Từ các nhận thức trên, em hãy cho biết: Chủ đề của văn bản là gì?
Trả lời:
1. Trong truyện ngắn Tôi đi học tác giả nhớ lại những kỉ niệm trong ngày tựu trường đầu tiên của mình, đó là những kỉ niệm cùng mẹ đi trên con đường làng đến trường, được ông Đốc gọi tên và xếp hàng vào lớp học buổi học đầu tiên.
Sự hồi tưởng ấy gợi lên ấn tượng về:
– Những cảm giác háo hức, trong sáng như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng.
– Cảm giác hồi hộp, lúng túng muốn thử sức cầm cả vở và bút thước như các bạn
– Tâm trạng lo lắng, bỡ ngỡ khi đứng ở sân trường được mọi người ngắm nhìn, khi được ông Đốc gọi tên và rời xa vòng tay mẹ để vào lớp.
– Thái độ nghiêm túc, tự tin; cảm giác gần gũi, thân thuộc với bạn bè trong giờ học đầu tiên.
2. Chủ đề của văn bản không chỉ là những sự việc mà tác giả kể lại. Trong văn bản Tôi đi học, ngoài sự việc được kể qua lời của tác giả thì cảm xúc cũng là một thành phần quan trọng của chủ đề.
→ Chủ đề của văn bản Tôi đi học: Những kỉ niệm sâu sắc của nhân vật “Tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên. Kỉ niệm về những sự việc và tình cảm, cảm xúc trong buổi đầu đi học.
3. Từ các nhận thức trên có thể thấy chủ đề của văn bản là đối tượng và vấn đề chính mà văn bản ấy biểu đạt.
Tính thống nhất về chủ đề của của văn bản
Hãy đọc lại văn bản Tôi đi học của Thanh Tịnh và trả lời các câu hỏi:
1. Căn cứ vào đâu em biết văn bản Tôi đi học nói lên những kỉ niệm của tác giả về buổi tựu trường đầu tiên? (Chú ý nhan đề, các từ ngữ và các câu trong văn bản viết về những kỉ niệm buổi tựu trường đầu tiên)
2. Văn bản Tôi đi học tập trung hồi tưởng lại tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “Tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên.
a) Hãy tìm các từ ngữ chứng tỏ tâm trạng đó in sâu trong lòng nhân vật “Tôi” suốt cuộc đời.
b) Tìm các từ ngữ, các chi tiết nêu bật cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ của nhân vật “Tôi” khi cùng mẹ đi đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp. (Chú ý phân tích những cảm giác khác biệt về cùng một sự vật, sự việc trước và trong buổi tựu trường đầu tiên)
3. Từ việc phân tích trên, hãy cho biết: Thế nào là tính thống nhất về chủ đề của văn bản? Làm thế nào để đảm bảo tính thống nhất đó?
Trả lời
1. Ta nói văn bản Tôi đi học nói lên những kỉ niệm của tác giả về buổi tựu trường đầu tiên dựa trên căn cứ từ:
– Nhan đề truyện ngắn là “Tôi đi học” → Cho thấy văn bản này sẽ nói về vấn đề đi học của tác giả và sẽ là ngày đầu tiên đi học.
– Các từ ngữ: kỉ niệm, buổi tựu trường, lần đầu tiên đi đến trường, sách vở, bút thước, trường Mĩ Lí, học trò, thầy, lớp, hồi trống, ông đốc trường, lớp năm, sắp hàng, bàn ghế, phấn, bảng đen, đánh vần, bài viết tập,… → Những từ ngữ đều cho thấy tác giả nhớ rất rõ tất cả sự vật, sự việc diễn ra trong buổi đầu đi học của mình.
– Các câu văn:
+ Hằng năm… nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường.
+ Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường dài và hẹp.
+ Trước sân trường làng Mĩ Lí… vui tươi và sáng sủa.
+ Ông đốc trường Mĩ Lí cho gọi học trò mới đến đứng trước lớp ba.
+ Sau khi thấy hai mươi tám cậu học trò sắp hàng đều đặn dưới hiên trường, ông đốc liền ra dấu cho chúng tôi đi vào lớp năm.
+ Một mùi hương lạ xông lên trong lớp.
+ Những tiếng phấn của thầy tôi gạch mạnh lên bảng đen đã đưa tôi về cảnh thật. Tôi vòng tay lên bàn…
→ Những câu văn này đều thể hiện rằng tác giả đang nhớ lại về buổi tựu trường đầu tiên và tất cả cảnh vật, con người xuất hiện trong buổi đầu đi học của mình. Tác giả nhớ rất rõ và chi tiết, từ mùi hương đến tiếng trống. Có thể thấy những kỉ niệm này vô cùng sâu sắc trong lòng tác giả. Điều này cũng chứng minh văn bản Tôi đi học nói lên những kỉ niệm của tác giả về buổi tựu trường đầu tiên.
2. Tâm trạng hồi hộp, cảm giác bỡ ngỡ của nhân vật “Tôi” trong buổi tựu trường đầu tiên.
a) Các từ ngữ chứng tỏ tâm trạng đó in sâu suốt cuộc đời: nao nức, quên thế nào được, tưng bừng rộn rã, trang trọng, đứng đắn, lo sợ vẩn vơ, bỡ ngỡ, non nớt, ngây thơ, ngập ngừng e sợ, thút thít, rụt rè, vụng về lúng túng, giật mình,…
b) Các từ ngữ, các chi tiết nêu bật cảm giác mới lạ xen lẫn bỡ ngỡ khi cùng mẹ đi đến trường, khi cùng các bạn đi vào lớp:
– Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ.
– Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi.
– Tôi không lội qua sông thả diều và không đi ra đồng nô đùa nữa
– Cảm thấy mình trang trọng và đứng đắn
– Lần ấy trường đối với tôi là một nơi xa lạ. Nhưng lần này lại khác.
– Cũng như tôi, mấy cậu học trò mới bỡ ngỡ.
– Cảm thấy mình chơ vơ là lúc này.
– Toàn thân các cậu cũng đang run run theo nhịp bước rộn ràng,…
3. Qua những phân tích trên, ta rút ra được các kết luận sau:
– Tính thống nhất về chủ đề của văn bản là khi văn bản đó chỉ biểu đạt chủ đề đã xác định, không xa rời hay lạc sang chủ đề khác.
– Để đảm bảo tính thống nhất thì văn bản đó cần phải xác định được chủ đề. Chủ đề này sẽ được thể hiện qua nhan đề, đề mục và qua mối quan hệ giữa các thành phần của văn bản cũng như các từ ngữ then chốt thường lặp đi lặp lại
Luyện tập tính thống nhất về chủ đề của văn bản
Câu 1. Phân tích tính thống nhất về chủ đề của văn bản sau theo những yêu cầu nêu ở dưới.
RỪNG CỌ QUÊ TÔI
Chẳng có nơi nào đẹp như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng.
Thân cọ vút thẳng trời hai ba chục mét cao, gió bão không thể quật ngã. Búp cọ vuốt dài như thanh kiếm sắc vung lên. Cây non vừa trồi, lá đã xoà sát mặt đất. Lá cọ tròn xoè ra nhiều phiến nhọn dài, trông xa như một rừng tay vẫy, trưa hè lấp loá nắng như rừng mặt trời mới mọc. Mùa xuân, chim chóc kéo về từng đàn. Chỉ nghe tiếng hót líu lo mà không thấy bóng chim đâu.
Căn nhà tôi ở núp dưới rừng cọ. Ngôi trường tôi học cũng khuất trong rừng cọ. Ngày ngày đến lớp, tôi đi trong rừng cọ. Không đếm được có bao nhiêu tàu lá cọ xoè ô lợp kín trên đầu. Ngày nắng bóng râm mát rượi. Ngày mưa, cũng chẳng ướt đầu.
Cuộc sống quê tôi gắn bó với cây cọ. Cha làm cho tôi chiếc chổi cọ để quét nhà, quét sân. Mẹ đựng hạt giống đầy móm lá cọ, treo lên gác bếp để gieo cấy mùa sau. Chị tôi đan nón lá cọ, lại biết đan cả mành cọ và làn cọ xuất khẩu. Chiều chiều chăn trâu, chúng tôi rủ nhau đi nhặt những trái cọ rơi đầy quanh gốc về om, ăn vừa béo vừa bùi.
Quê tôi có câu hát:
Dù ai đi ngược về xuôi
Cơm nắm lá cọ là người Sông Thao.
Người sông Thao đi đâu rồi cũng nhớ về rừng cọ quê mình.
(Nguyễn Thái Vận)
Yêu cầu:
a) Cho biết văn bản trên viết về đối tượng nào và về vấn đề gì. Các đoạn văn đã trình bày đối tượng và vấn đề theo trình tự nào? Theo em, có thể thay đổi trình tự sắp xếp này được không? Vì sao?
b) Nêu chủ đề của văn bản trên.
c) Chủ để ấy được thể hiện trong toàn văn bản, từ việc miêu tả rừng cọ đến cuộc sống của người dân. Hãy chứng minh điều đó.
d) Tìm các từ ngữ, các câu tiêu biểu thể hiện chủ đề của văn bản.
Trả lời:
a) Đối tượng và vấn về của văn bản:
– Đối tượng: Rừng cọ quê tôi
– Vấn đề: Sự gắn bó giữa rừng cọ và cuộc sống người dân sông Thao.
Đoạn văn đã trình bày đối tượng và vấn đề theo trình tự: Miêu tả rừng cọ trước sau đó mới nói đến sự gắn bó giữa rừng cọ và cuộc sống người dân sông Thao. Đây là một trình tự hợp lý và không thể thay đổi. Vì một đoạn văn nên đi từ đối tượng đến vấn đề, phải cho người đọc biết về rừng cọ như thế nào trước rồi mới cho thấy mối quan hệ khăng khít giữa rừng cọ và người dân nơi đây.
b) Chủ đề của văn bản trên cũng là đối tượng và vấn đề mà văn bản thể hiện, đó là: Rừng cọ và sự gắn bó giữa rừng cọ và cuộc sống người dân sông Thao.
c) Các từ ngữ và các câu tiêu biểu thể hiện chủ đề của văn bản:
– Các từ ngữ: rừng cọ, cây cọ, thân cọ, búp cọ, lá cọ, chổi cọ, nón cọ, mành cọ, làn cọ, trái cọ,…
– Các câu:
+ Chẳng có nơi nào đẹp như sông Thao quê tôi, rừng cọ trập trùng
+ Cuộc sống quê tôi gắn bó với cây cọ
Câu 2. Một bạn dự định viết những ý sau trong bài văn chứng minh luận điểm “Văn chương làm cho tình yêu quê hương đất nước trong ta thêm phong phú và sâu sắc”:
a) Văn chương làm cho những hiểu biết của ta về quê hương đất nước thêm phong phú, sâu sắc.
b) Văn chương lấy ngôn từ làm phương tiện biểu hiện.
c) Văn chương làm ta thêm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước, về truyền thống tốt đẹp của ông cha ta.
d) Văn chương giúp ta yêu cuộc sống, yêu cái đẹp.
e) Văn chương nung nấu trong ta lòng căm thù bọn giặc cướp nước, bọn bán nước và hun đúc ý chí quyết tâm hi sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
Hãy trao đổi theo nhóm xem ý nào sẽ làm cho bài viết lạc đề.
Trả lời:
Trong 5 ý trên thì 3 ý b), d) và e) sẽ làm lạc đề của bài viết.
Bởi vì với chủ đề là “Văn chương làm cho tình yêu quê hương đất nước trong ta thêm phong phú và sâu sắc”, thì làm cho tình yêu quê hương đất nước thêm phong phú, sâu sắc là một đặc điểm trong chức năng tác động của văn chương, ngoài ra văn chương còn mang nhiều đặc điểm khác nữa về nội dung cũng như hình thức thể hiện.
Do vậy, nếu triển khai ý b), d) và e) sẽ không đảm bảo được tính thống nhất chủ đề của văn bản.
Câu 3. Để phân tích dòng cảm xúc thiết tha, trong trẻo của nhân vật “tôi” trong văn bản Tôi đi học, có bạn dự định triển khai những ý sau:
a) Cứ mùa thu về, mỗi lần thấy các em nhỏ núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng lại náo nức, rộn rã, xốn xang.
b) Con đường đến trường trở nên lạ.
c) Mẹ nắm tay dẫn đến trường.
d) Muốn thử cố gắng tự mang sách vở như một cậu học trò thực sự.
e) Sân trường rộng, ngôi trường cao hơn.
g) Sợ hãi, chơ vơ trong hàng người bước vào lớp.
h) Ông đốc và thầy giáo trẻ trìu mến đón tiếp học trò.
Hãy thảo luận cùng bạn để bổ sung lựa chọn, điều chỉnh lại các từ, các ý cho thật sát với yêu cầu của đề bài.
Trả lời:
Với yêu cầu của đề bài là “Phân tích dòng cảm xúc thiết tha, trong trẻo của nhân vật “tôi” trong văn bản Tôi đi học” thì ý c) và g) chưa phù hợp với chủ đề. Vì 2 ý này không thể hiện được dòng cảm xúc thiết tha, trong trẻo. Do đó cần điều chỉnh lại câu từ cho phù hợp hơn.
Ngoài ra, các câu khác cũng cần điều chỉnh lại cách diễn đạt để thể hiện đúng cảm xúc của nhân vật hơn như:
– Sửa lại câu từ của ý b), c), e), g)
– Điều chỉnh lại ý h)
Các ý sau khi điều chỉnh và sửa lại được trình bày như sau:
a) Cứ mùa thu về, mỗi lần thấy các em nhỏ núp dưới nón mẹ lần đầu tiên đến trường, lòng lại náo nức, rộn rã, xốn xang.
b) Con đường đến trường vốn quen thuộc nhưng trong buổi đầu đi học này “tôi” lại cảm thấy xa lạ.
c) Mẹ âu yếm nắm tay “tôi” đưa tôi đến trường trên con đường làng dài và hẹp.
d) Muốn thử cố gắng tự mang sách vở như một cậu học trò thực sự.
e) “Tôi” cảm thấy như sân trường rộng hơn và ngôi trường như cao hơn.
g) Đứng trong hàng người bước vào lớp, “tôi” bỗng thấy chơ vơ, sợ hãi
h) “Tôi” cảm thấy gần gũi và yêu mến lớp học, thầy giáo hơn