Bình luận Thuyết minh về cây cà phê là conpect trong bài viết bây giờ của chúng tôi. Đọc content để biết chi tiết nhé.
Tổng hợp dàn ý và các bài văn mẫu cho đề bài thuyết minh về cây cà phê. Bài viết cung cấp đến bạn đọc cách lập dàn ý cơ bản và dàn ý chi tiết. Ngoài ra, những thông tin về cây cà phê còn được lồng ghép vào một cách chính xác nhất.
Dàn ý thuyết minh về cây cà phê
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát về cây cà phê: Là cây công nghiệp quan trọng chiếm tỉ trọng cao ở Việt Nam, tạo ra giá trị kinh tế lớn, là thức uống quen thuộc của con người
2. Thân bài
2.1. Nguồn gốc
- Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiên thảo.
- Bắt nguồn từ những vùng nhiệt đới Châu Phi, sau đó được nhân rộng và xuất khẩu sang các vùng khác.
- Cây cà phê xuất hiện ở Việt Nam từ khi Pháp xâm lược nước ta.
2.2. Đặc điểm
+ Thân cây cao từ 5 – 10 mét, cành thon dài, cuống lá ngắn, mà xanh, hình ô van.
+ Rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1- 2 mét, có những nhánh rễ phụ xung quanh lan rộng ra long .
+ Hoa màu trắng, có năm cánh, nở thành chùm. Hoa chỉ nở trong vòng 3 đến 4 ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa.
+ Quả có hình bầu dục, mọc thành chùm. Trong quá trình phát triển, quả cà phê thay đổi từ xanh sang vàng rồi cuối cùng là đỏ. Quả có màu đen khi đã chín nẫu.
+ Hạt cà phê: Nằm trong quả, được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng, xám xanh.
+ Sinh trưởng tốt nhất trên đất bazan – loại đất tốt, tơi xốp, có khả năng giữ nước tốt dễ hấp thu dinh dưỡng.
+ Sống ở những nơi có khí hậu mát mẻ, khu vực rừng núi
+ Làm đất tơi xốp, có tầng thịt dày
+ Trồng cây với khoảng cách phù hợp
+ Trồng cây vào đầu mùa mưa
+ Đào rãnh, hoặc phân rạch để cấp ẩm thường xuyên cho cây
+ Tỉa bỏ những cành khô, những cây che
+ Làm cỏ, bón phân thường xuyên
2.3. Phân bố
- Tây Nguyên là vùng đất nổi tiếng về cà phê với các địa danh như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Buôn Mê Thuột.
- Những vùng cao của Tây bắc và Đông Nam Bộ
2.4. Giá trị
+ Sản lượng cà phê cả nước chiếm 8% sản lượng nông nghiệp, chiếm 25% giá trị xuất khẩu và là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới
+ Mang lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho hàng triệu người.
+ Góp phần ổn định kinh tế xã hội ở những vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc ít người, …
+ Quảng bá hình ảnh người Việt Nam
+ Cây cà phê đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Tây Nguyên.
+ Cà phê mang lại cho con người những giá trị văn hóa vô hình, và hàn gắn chúng ta lại với nhau.
+ Giúp con người thư giãn, tĩnh táo sau những giây phút làm việc căng thẳng
+ Phủ xanh đồi trọc, đất trống giúp cân bằng và bảo vệ môi trường sinh thái.
+ Công dụng nhuộm tóc, làm đẹp
2.5. Ý nghĩa
- Có nhiều vai trò, lợi ích cả về vật chất, tinh thần
- Cà phê là thức uống có nhiều giá trị, quen thuộc trong đời sống sinh hoạt của con người
Kết bài
- Khẳng định lại ý nghĩa, giá trị của cây cà phê.
- Đưa ra phương hướng để phát triển giá trị của loài cây này.
Bài viết số 1: Thuyết minh về cây cà phê
Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, hình ảnh những người nhâm nhi, thư thái bên cốc cà phê trở nên vô cùng thân thuộc. Từ rất lâu, những tách cà phê đã đi vào đời sống của con người một cách bình dị, thế nhưng nguồn gốc, đặc điểm của cây cà phê thế nào thì không phải ai cũng biết.
Đã bao giờ bạn từng thắc mắc, những li cà phê thơm ngon mà mình từng uống từ đâu mà có? Nói về nguồn gốc của cà phê người ta lại nhắc đến một câu chuyện huyền thoại về người chăn dê ở vùng miền núi thuộc địa phận Ethiopia đã tình cờ phát hiện ra những trái chin màu đỏ, ăn vào sẽ cảm thấy tỉnh táo, thư thái, sau đó loại quả này được tặng nhau trong các nhà thờ. Đến năm 1457, cà phê đến với Thổ Nhĩ Kì sau đó tiếp tục có mặt ở các nước Ý, Ấn Độ, Anh, Mỹ,…cuối cùng lan rộng ra toàn thế giới. Cây cà phê xuất hiện ở Việt Nam từ cuộc xâm lược của Pháp, chúng cho trồng những đồn điền cà phê, rồi cho chế biến xuất khẩu về nước. Đến nay, cây cà phê trở nên quen thuộc và là loài cây đặc trưng ở một số vùng nước ta.
Cà phê là cây công nghiệp nhiệt đới, sinh trưởng tốt trên những vùng đất badan màu mỡ, tơi xốp, có khả năng giữ nước và hấp thụ chất dinh dưỡng tốt, hoặc chúng sống được ở những khu vực có khí hậu ôn hòa, mát mẻ nơi núi rừng. Nhắc đến cây cà phê, chúng ta không thể không kể tới mảnh đất Tây Nguyên, nơi đây được xem là thiên đường, xứ sở của những cây cà phê ở Việt Nam. Với hàng chục ngàn hecta cà phê trồng chủ yếu ở các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng và đặc biệt là Buôn Ma Thuột, cây cà phê đã trở thành hơi thở, là linh hồn của vùng đất đai xứ này. Ngoài ra, cây cà phê còn được trồng ở những vùng cao của Tây bắc và Đông Nam Bộ.
Không phải ai trong mỗi chúng ta cũng đã từng được nhìn thấy cây cà phê bởi không phải nơi đâu cũng có thể trồng. Thân cây cao từ 5 – 10 mét, cành thon dài, cuống lá ngắn, mà xanh, hình ô van. Cà phê là loài rễ cọc, cắm sâu vào lòng đất từ 1- 2 mét với có những nhánh rễ phụ xung quanh lan rộng ra để hút chất dinh dưỡng. Hoa cà phê màu trắng, có năm cánh, nở thành chum giống như hoa ban. Giữa mùa hoa, đứng ngắm nhìn rừng cà phê nở rộ rung rinh trong nắng sớm là điều vô cùng tuyệt vời. Hoa chỉ nở trong vòng ba đến bốn ngày và thời gian thụ phấn chỉ vài ba tiếng. Một cây cà phê trưởng thành có từ 30.000 đến 40.000 bông hoa. Sau khi đơm hoa, cây cà phê sẽ kết thành trái, quả của chúng có hình bầu dục, mọc thành chùm. Ban đầu, quả cà phê có mày xanh, sau đó chin dần chuyển sang màu vàng rồi cuối cùng là đỏ. Những chùm quả cà phê chín đỏ sai trĩu kết bện lại với nhau vô cùng thích mắt. Hạt cà phê nằm trong quả, được bao bọc bởi lớp thịt quả bên ngoài. Hai hạt cà phê nằm ép sát vào nhau. Hạt có thể có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng.
Cà phê là loài cây kén đất, kén vùng vì thế để cây sinh trưởng và phát triển tốt người nông dân cần phải biết cách chăm sóc thật cẩn thận, tỉ mỉ. Trước hết, muốn cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây thì phải làm đất thật tơi xốp với tầng thịt dày. Khi trồng cây phải chú ý khoảng cách giữa các cây sao cho thật phù hợp, trồng dặm thêm những cây đã bị chết, tỉa bỏ những chỗ mọc dày, những cành khô và cây che. Nên đào rãnh, phân rạch để cấp ẩm thường xuyên cho cây. Trong quá trình cây lớn lên, người nông dân phải thường xuyên theo dõi, làm cỏ, bón phân cho chúng. Cây cà phê được trồng vào đầu mùa mưa là thuận lợi nhất cho sự sinh sôi, phát triển.
Đi cùng với người dân Việt Nam, cây cà phê đã mang đến cho con người biết bao giá trị cả về vật chất lẫn tinh thần. Sản lượng cà phê cả nước chiếm 8% sản lượng nông nghiệp, chiếm 25% giá trị xuất khẩu và là nước xuất khẩu cà phê vối lớn nhất thế giới, nó mang lại việc làm ổn định, thu nhập cao cho hàng triệu người. Trồng cây cà phê cũng góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế xã hội ở những vùng xa xôi hẻo lánh, dân tộc ít người,…Không chỉ vậy, cà phê còn có vai trò quảng bá hình ảnh người Việt Nam. Những thương hiệu cà phê nổi tiếng như Highlands Coffee, Trung Nguyên, G7,…không chỉ có vai trò trọng yếu đối với thị trường trong nước mà còn vươn tầm thế giới. Những tách cà phê thơm ngon đến từ những hạt cà phê chất lượng của Việt Nam đều được bạn bè thế giới công nhân và đánh giá cao.
Ở mảnh đất Tây Nguyên, cây cà phê chính là đặc sản, chúng không chỉ mang đến giá trị kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Mùi cà phê như thấm vào từng làn da, thớ thịt của con người, trở thành một nét đẹp về văn hóa ở Tây Nguyên. Chính những nông trường cà phê ấy cũng là một trong những lí do thu hút khách du dịch đến với mảnh đất đầy nắng và gió này.
Ngoài ra, cà phê mang lại cho con người những giá trị văn hóa vô hình, và hàn gắn con người lại với nhau bởi những buổi cà phê hàn huyên, trò chuyện. Tách cà phê cũng giúp con người thư giãn, tĩnh táo sau những giây phút làm việc căng thẳng. Cây cà phê còn có vai trò phủ xanh đồi trọc, đất trống giúp cân bằng và bảo vệ môi trường sinh thái.
Với rất nhiều lợi ích vai trò khác nhau, có thể khẳng định rằng cà phê có ý nghĩa to lớn đối với cuộc sống con người. Nó trở nên gần gũi, quen thuộc và là một phần tất yếu của cuộc sống. Giờ đây, khách đến nhà, thay vì mời nhau chén trà, miếng trầu người ta có thể mời nhau ly cà phê để mở đầu câu chuyện. Chính vì thế, giờ đây cà phê mang những giá trị vật chất và tinh thần mà không gì có thể dễ dàng thay thế.
Hiểu về nguồn gốc, đặc điểm của cây cà phê, đặc biệt là thấy được ý nghĩa, vai trò của chúng trong đời sống, chúng ta cần phải có định hướng phát triển nó. Cần phải đổi mới, cải tiến kĩ thuật canh tác, nhân rộng, chăm sóc giống cây trồng để cho ra những hạt cà phê vừa tốt về chất lượng vừa tăng về sản lượng. Đa dạng hình thức quảng bá để cà phê Việt Nam có thể đi xa hơn nữa trên thị trường quốc tế. Mỗi chúng ta cần phải biết yêu quý cây cà phê và trân trọng từng giá trị mà nó mang lại cho con người.
Bài viết số 2: Thuyết minh về cây cà phê Tây Nguyên
Tây Nguyên – vùng đất đỏ đầy nắng và gió không chỉ được biết tới với những làng voi, ngôi nhà Rông, vũ điệu cồng chiêng ,…mà còn nổi tiếng với những cao nguyên cà phê bạt ngàn. Đây được xem là vùng chuyên canh cây cà phê lớn nhất cả nước. Ngày nay, khi cà phê đã trở thành thức uống số một trên thế giới thì người ta lại càng quan tâm hơn đến nguồn gốc, đặc điểm, giá trị của nó.
Cà phê là tên một chi thực vật thuộc họ Thiên thảo. Đi tìm cội nguồn của cây cà phê, có truyền thuyết kể lại rằng cách đây rất lâu, có một người nông dân chăn dê ở vùng núi Ethiopia đã tình cờ phát hiện ra một loại quả lạ, ăn vào thấy tỉnh táo lạ thường, đem đốt trong lửa thì có mùi thơm ngây ngất. Từ đó người ta đem trồng và trở thành loại quả được dùng chủ yếu ở các nhà thờ. Có những tài liệu khác ghi lại, cà phê bắt nguồn từ những vùng nhiệt đới Châu Phi, sau đó được nhân rộng sang các vùng khác rồi trở nên phổ biến trên thế giới.
Ở Việt Nam, cây cà phê được du nhập trong khoảng thời gian thực dân Pháp sang xâm lược. Chúng mang những giống cà phê sang nước ta, bắt dân ta trồng và sau đó thu hoạch đem về nước. Cho đến nay, cây cà phê đã thực sự ghi dấu trên đất Việt. Khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Buôn Ma Thuột được xem là thủ phủ của loài câu này. Hàng chục ngàn hecta cà phê được canh tác hằng năm cho ra sản lượng vô cùng. Ngoài ra, các vùng Nam Bộ và Tây Bắc cũng là những khu vực có tiềm năng canh tác cà phê ở nước ta. Với những lợi thế về đất đai và khí hậu, cùng những cải tiến kĩ thuật hiện đại, ngày nay cây cà phê đã trở thành cây công nghiệp chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế nước ta, không chỉ đáp ứng như cầu trong nước mà Việt Nam còn là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới. Rất nhiều thương hiệu cà phê nổi tiếng đã tạo dựng được danh tiếng ở khắp các châu lục như cà phê Trung Nguyên, cà phê G7, vinacafe, nescafe,…Các thương hiệu ấy cũng đã góp phần quảng bá hình ảnh của đất và người Việt Nam trên trường quốc tế.
Đến với Tây Nguyên, chúng ta hãy đến tham quan những cao nguyên cà phê xanh mướt bạt ngàn. Thân cây cà phê thon nhỏ, cao tầm 5 – 10 mét thường có nhiều nhánh. Lá có cuống ngắn, hình ô van màu xanh đậm, chiều dài khoảng từ 5-15 cm, còn chiều rộng từ 4 -8 cm. Rễ cây cà phê là rễ cọc cắm sâu vào lòng đất khoảng từ 1 đến 2 mét để hút chất dinh dưỡng nuôi cây. Hoa cà phê có màu trắng năm cánh, nở thành chùm. Ở Tây Nguyên, tháng ba được xem là thời điểm đẹp nhất trong năm bởi đó là lúc hoa cà phê trổ bông ngào ngạt khắp đất trời. Mùa hoa cà phê nở đã bao lần làm ngỡ ngàng du khách phương xa. Quả cà phê có hình bầu dục, mọc thành chùm. Ban đầu chúng có màu xanh, đến khi chín thì chuyển thành màu đỏ mọng. Nhìn những chùm cà phê đỏ rực kết bện lại với nhau rung rinh trong nắng thật đẹp mắt. Quả cà phê chín đen lại sẽ lộ ra những hạt cà phê. Hạt có hình tròn hoặc dài, lúc còn tươi có màu xám vàng hoặc xám xanh.
Cà phê là loại cây kén đất, nó sinh trưởng tốt nhất trên mảnh đất badan – loại đất tơi xốp, có khả năng giữ nước và hấp thụ chất dinh dưỡng đặc trưng của Tây Nguyên. Cà phê được trồng bằng hạt, vì thế muốn có giống tốt thì hạt phải khỏe mạnh, có khả năng kháng sâu bệnh và cho nhiều quả. Trước khi trồng, phải làm cho đất thật tơi xốp, đào thành rãnh hoặc phân rạch để đảm bảo nguồn nước cho cây. Trong quá trình cây lớn lên, cần phải thường xuyên chăm sóc, dặm thêm những cây bị chết, nhổ bớt những cành khô, cây che hoặc chỗ cây mọc dày. Người nông dân cần năng làm cỏ, bón phân, quan sát và kịp thời trị sâu bệnh cho cây. Có như vây, cây cà phê mới có thể cho sản lượng cao, chất lượng tốt.
Người ta yêu cây cà phê còn bởi những giá trị to lớn mà nó mng lại cho con người. Trước hết, phải kể đến ý nghĩa kinh tế của loài cây này. Với sản lượng cà phê lớn đã góp một phần không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế đất nước, tạo công ăn việc làm cho người dân, mang lại công việc ổn định, thu nhập cao cho hàng triệu người. Ở Tây Nguyên, những cao nguyên cà phê còn là địa điểm du lịch nổi tiếng thu hút sự quan tâm của khách du lịch trong và ngoài nước. Với hạt ca phê, chị em phụ nữ có thể dùng để nhuộm tóc, làm đẹp.
Đặc biệt, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, những li cà phê thơm ngất ngây còn mang lại giá trị văn hóa vô hình, gắn kết con người. Họ mời nhau tách cà phê cũng là lời chào để mở đầu cho câu chuyện. Thời gian không ngừng chảy trôi, phút giây tĩnh lặng nhâm nhi bên tách cà phê cũng là cách để chúng ta sống chậm lại, tận hưởng cuộc sống, quên đi những giây phút căng thẳng của cuộc sống thường ngày. Cà phê có hai loại: Cà phê đen và cà phê sữa đáp ứng ngày càng tốt với khẩu vị và nhu cầu của người thưởng thức.
Cây cà phê cũng không ít lần đi vào thế giới nghệ thuật, đi vào trang thơ của bao thi sĩ. Ngay cả nhà thơ Xuân Diệu cũng phải thốt lên rằng:
“Em đến đây em, đặng bốn bề
Ta cùng lạc giữa hoa cà phê
Cho sương ướt tóc, hương đầy áo
Cho trĩu hồn thơm, mới trở về”.
Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật ngày càng phát triển, cây cà phê càng được chăm sóc tỉ mỉ và kĩ lưỡng hơn để khai thác hiệu quả nhất giá trị chúng trong đời sống hiện nay. Thấy được đặc điểm, vai trò của cây cà phê, mỗi chúng ta càng thêm yêu và tự hào về loài cây ấy. Chúng ta sẽ mãi nhớ về cà phê – một loài cây không chỉ mang đến hương sắc cho đời mà còn để lại những giá trị vô cùng lớn lao và ý nghĩa.
Qua các bài viết trên, mong rằng bạn đọc đã có những kiến thức cơ bản để làm tốt đề bài thuyết minh về cây cà phê. Các bài viết về đề bài trên sẽ luôn được cập nhật trong bài viết này.